14 Tháng Mười Một 2024
Giới thiệu về phường 6 quận 10

Phường 6 nằm ở phía tây nam của quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Vùng đất này xưa kia là một vùng đất hoang vu sình lầy. Qua bao năm tháng, nhờ những bàn tay lao động cần cừu và sáng tạo của con người, đã dần biến nơi đây thành làng xóm và ngày càng trù phú, dân cư đông đúc.

Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, nhân dân phường 6 đã phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân phường 6 đã kiên cường vượt qua mọi gian lao thử thách, sẵn sàng hy sinh để góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Mùa xuân năm 1975, đem lại độc lập, tự do, hoà bình, thống nhất cho Tổ quốc.

Sau ngày đất nước giải phóng, phát huy truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trong 35 năm xây dựng và bảo vệ  Tổ quốc (1975-2010), Đảng bộ và nhân dân phường 6 đã khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vượt qua những khó khăn gay gắt của kỳ đầu sau giải phóng; từng bước kiện toàn hệ thống chính trị, xác lập quan hệ sản xuất mới, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng. Từ một địa phương nghèo, phường 6 đã vươn lên, hội nhập vào tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong phường không ngừng được nâng lên rõ rệt, hệ thống chính trị vững vàng, An ninh trật tự xã hội được giữ vững.

I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH PHƯỜNG 6 – QUẬN 10

Vùng đất phường 6 đã được khai phá ngay từ khi những lưu dân người Việt từ miền Bắc, miền Trung vào Nam khai hoang, mở đất. Vào khoản thế kỷ XVII, cả vùng đất Nam Bộ nói chung và vùng đất phường 6 nói riêng chỉ là những bãi sình lầy, rừng nguyên sinh bạt ngàn, đất hoang, dân cư thưa thớt. Bằng bàn tay và khồi óc, những người lưu dân này đã biến mảnh đất hoang sơ thành thôn xóm đông đúc.

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, thiết lập các đơn vị hành chính mới. Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì Nguyễn Hữu Cảnh chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai đặt huyện Phước Long lập dinh Trấn Biên (Biên Hoà ngày nay); lấy xứ Sài Côn đặt huyện Tân Bình, lập dinh phiên trấn. Mỗi dinh đều đặt chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ, đội, thuyền, thuỷ, bộ tinh binh và thuộc binh. Đặt phủ Gia dịnh để thống thuộc hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Đến đây, về mặt hành chính vùng đất phương Nam mới chính thức được xác lập thuộc quyền sở hữu của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn. Cũng từ thời gian này, vùng đất phường 6 thuộc các xã, thôn của Tổng Tân long, huyện Tân Bình.

Năm 1808, dưới thời vua Gia Long, huyện Tân Bình được nâng lên thành phủ Tân Bình, hai tổng Bình Dương và Tân Long nâng lên thành huyện và mỗi huyện thành lập thêm 02 tổng mới.

Trong giai đoạn này, các xóm làng trong đó có vùng đất phường 6 (ngày nay) thuộc địa bàn huyện Tân Long, phủ Tân Bình. Năm 1936, thực hiện công cuộc đo đạc lại ruộng đất để lập sổ địa bạ, phái đoàn Trương Đăng Quế, Trương Minh Giảng đã điều chỉnh lại các đơn vị hành chính cho phù hợp, do đó một số tổng, thôn được lập thêm, trong đó có đại bàn phường 6.

Ngày 20 tháng 10 năm 1879, thành phố Chợ Lớn được thành lập, sau đó một số thôn phía nam giáp ranh lần lượt được sáp nhập vào thành phố Chợ Lớn và trong giai đoạn này, vùng đất phường 6 thuộc thành phố Chợ Lớn.

Trong thời kỳ xâm lược nước ta, chính quyền thực dân Pháp đã có sự điều chỉnh lại nhiều đơn vị hành chính ở Nam Bộ, tuy nhiên chưa có sự thay đổi lớn về địa lý hành chính ở cấp cơ sở. Đến năm 1931, khi chính quyền thực dân Pháp sáp nhập thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn thành thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn, cùng với các đơn vị hành chính cơ sở được thiết lập từ thời nhà Nguyễn bị thay đổi.

Các thôn, làng thuộc địa bàn phường 6 được sáp nhập lại thành hộ 10, quận 4 của thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn.   

Đến trước năm 1945, tại khu vực phường 6 đã có nhiều con đường được khai thông, mở rộng và được làm bằng đất đỏ, đá sỏi… Một số con đường được khai mở từ rất sớm như đường Ceinuture (hiện nay là đường Ba Tháng Hai), Armand Rousseau (Hiện nay là đường Nguyễn Chí Thanh), Emile Béliard (nay là đường Nguyễn Kim), Gébéral Beylíe – Ducos (nay là đường Ngô Quyền), Filaos (nay là đường Đào Duy Từ).

Sau năm 1954 các tuyến đường được nối dài thêm, đổi tên, đồng thời hình thành các tuyến đường nội bộ như đường Da Bà Bầu (năm 1959 đổi thành đường Nhật Tảo), Tân Phước…

Tháng 6/1975, Quận ủy Quận 10 sau khi được thành lập đã chỉ đạo thành lập Chi bộ Phường Nguyễn Tri Phương. Đến ngày 31/5/1976 theo quyết định số 55/QĐ giải thể chi bộ phường Nguyễn Tri Phương và thành lập 5 chi bộ mới, trong đó có Chi bộ phường 16 (nay là UBND phường 6 – Quận 10 ngày nay).

II. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Phường 6 là một đơn vị hành chính nằm ở phía tây nam của quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Phía bắc giáp phường 14 quận 10, phía nam giáp quận 5, phía đông giáp phường 5 và phường 8, phía tây giáp phường 7 quận 10. Ranh giới của phường được giới hạn bởi bốn tuyến đường chính là: Đường Ba Tháng Hai – đường Ngô Quyền – đường Nguyễn Chí Thanh – đường Nguyễn Kim. Diện tích tự nhiên của phường là 217.980m2 (chiếm 3.85% diện tích tự nhiên toàn quận).

Về điều kiện tự nhiên, phường 6 có địa hình và địa chất tương đồng với các phường khác thuộc quận 10. Đây là khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc mặt đất trung bình từ 0.17 – 0,4% cao độ mặt đất thay đổi từ 5,20m xuống  đến 3,34m. Do địa hình tương đối cao nên khu vực này không chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ triều và tình trạng xâm nhập mặn, nhiễm phèn…Lịch sử kiến tạo địa chất của khu vực trải qua một thời gian dài được bồi tụ bởi phù sa cổ, thành phần chủ yếu là đất cát.

Phường nằm chung khu vực của miền Đông Nam Bộ nên mang khí hậu đặc trưng của vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có tính chất nóng, ẩm, nhiệt độ tương đối cao và quanh năm không bị ảnh hưởng của bão, lũ. Thời tiết được chia thành hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đế tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm là 2,100mm, nhưng tập trung từ tháng 6 đến tháng 11, chiếm 90% tổng lượng mưa cả năm. Nhiệt độ trung bình là 27oc, nhiệt độ thấp nhất 25,7oC, nhiệt độ cao nhất 39oC.

Về hệ sinh thái, trước khi người Việt đến đây khai phá, lập làng ấp, thì khu vực này vẫn là vùng nhiệt đới phủ kính, hoang vu, sình lầy, gồm nhiều loại động – thực vật mang đặt trưng của đất phương Nam. Qua quá trình lịch sử, những lớp cư dân mới tưng bước khai hoang biến rừng rậm, bãi đất sình thành làng sớm đông đúc. Trải qua nhiều thế kỷ, phường 6 ngày nay đã có những thay đổi lớn, trở thành khu dân cư đông đúc, là một trong những khu đô thị, thương mại, dịch vụ quan trọng của quận 10.

Hệ thống giao thông của phường được hình thành từ rất sớm, chủ yếu là giao thông đường bộ. Trước thế kỷ XX, đường sá còn hoang sơ, chỉ là những con đường mòn, đường làng nhỏ hẹp. Sau khi xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp đã cho mở rộng nhiều tuyến đường trong thành phố, từ đường đi bộ đến đường thuỷ.

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CỦA PHƯỜNG 6 – QUẬN 10

Toàn địa bàn được chia thành 4 khu phố với 47 tổ dân phố. Phường 6 là một phường có khu vực dân cư tương đối ổn định, tổng dân số toàn phướng theo điều tra thống kê là 1835 hộ thường trú, trong đó có 8.890 khẩu thường trú, ngoài ra còn có 207 hộ tạm trú và 869 khẩu tạm trú. Từ năm 1986 đến nay dân số phường ít biến động, tỷ lệ gia tăng không đáng kể. Đến năm 2010 dân số toàn phường là 8.612 người trong đó (Người Kinh chiếm 90,14% dân số, người hoa chiếm 9.73%, còn lại là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác). Các dân tộc ở Phường 6 sinh sống có tính chất xen kẻ, tương thân, tương trợ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.

Hiện nay Phường 6 không có các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng lớn, tuy nhiên nhân dân trong phường vẫn thường đến cũng lễ, cũng như sinh hoạt văn hóa tinh thần tại các chùa và các nhà thờ trong Quận. Toàn phường có 17,67% người theo các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa Giao, Tin Lành,….và 82,33% không theo tôn giáo.

Địa bàn phường còn có Sân Vận động Thống nhất là nơi diễn ra các hoạt động thể dục thể thao trong nước và quốc tế.

Đảng bộ, Chính quyền và các ban ngành, đoàn thể luôn quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của đảng pháp luật nhà nước, Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, được duy trì và được nâng cao về chất. Đến năm 2015 phường được công nhận là “Phường đạt chuẩn Văn Minh Đô thị”.

Trước năm 1975, trên địa bàn Phường có 3 trường cộng đồng nuôi trẻ mồ côi. Sau giải phóng, cơ sở giáo dục của phường được mở rộng thêm, bao gồm 1 nhà trẻ, 2 trường mẫu giáo,1 trường tiểu học là trường Dương Minh Châu và nâng cấp trường học Nguyễn Tri Phương thành trường trung học cơ sở và có tổng diện tích đất khoảng 10,900m2. Cùng với sự hoàn thiện về cơ sở trường lớp, chất lượng giáo dục đã được nâng lên năm 1994, phường đã hoàn thành xong chương trình xóa mù chữ phổ cập bậc tiểu học cho lứa tuổi từ 15 – 35, 100% trẻ em 6 tuổi được vào lớp Một. Năm 2005 phường được công nhận đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục bậc phổ thông trung học, đến năm 2010, 100% trẻ em đề được vào trường mẫu giáo và lớp 1 tỉ lệ học sinh chuyển cấp đạt từ 99 – 100%.

Năm 1995, trên toàn phường có 29 cơ sở sản xuất phát triển ổn định những mặt hàng như ngành nhựa, bao bì, giấy xuất khẩu, mộc …chiếm tỷ trọng lớn trong nền sản xuất, Các cơ sở thương nghiệp và dịch vu phát triển mạnh (có 336 cơ sở). Nền kinh tế của phường phát triển cao từ 12-15%/ năm. Sau 40 năm (1975 – 2015) nền kinh tế của địa phương có bước chuyển biến theo cơ cấu thương mại – dịch vụ cá thể - tiểu thủ công ngiệp, tăng trưởng bình quân đầu năm đạt 16%/năm. Đến 2015 Phường có 32 cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể và và 484 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ với tổng sản lượng ước đạt trên 230 tỷ đồng. Trên bước đường hội nhập, ngày nay, Đảng bộ và Chính quyền Phường 6 đã thực hiện thành công chương trình giảm nghèo – tăng hộ khá, được thành phố công nhận là Phường thoát nghèo giai đoạn 3 cuối năm 2015 không còn hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 3, đảm bảo người lao động có việc làm, ổn định cuộc sống, tình hình an ninh – chính trị luôn được giữ vững, xứng đáng là một vùng đất đầu mối cửa ngõ quan trọng của Quận 10.

Trên địa bàn phường còn có chợ Nguyễn Tri Phương là một trong những chợ có quy mô lớn của Quận, là nơi tập trung lượng hàng hóa lưu thông, mua bán trên địa bàn và còn có các đơn vị lớn của Thành phố có trụ sở hoạt động như: Công ty cổ phần Công trình Giao thông Sài gòn, Công ty TNHH.MTV Công trình Cầu phà Thành phố, Khu nhà kho của Công ty Bia Rượu và Nước giải khát Sài Gòn, …

Ngoài ra, trong năm 2018 phường 6 thực hiện chỉnh trang văn minh đô thị đã thi công hoàn thành và đưa vào hoạt động với 19 gian hàng và 4 bãi xe tại khu vực kỳ đài Quang Trung.

Chuyên mục

Tranh cổ động