An toàn PCCC dịp tết Nguyên đán – Trách nhiệm không chỉ riêng ai.
Chuyên mục: Thông tin tuyên truyền, Tin tức, sự kiện |
Người đăng:
Trần Văn Phú Đông |
Ngày đăng: 19/12/2019 |
Số lần xem: 1961
Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm của các hoạt động giao thương, buôn bán, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại… tập trung khối lượng hàng hóa lớn để phục vụ thị trường Tết. Đồng thời, đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động chuẩn bị đón các lễ hội, người dân thường đốt một lượng lớn vàng mã để phục vụ các hoạt động cúng lễ. Chính bởi vậy, vấn đề cháy, nổ thường diễn biến hết sức phức tạp trong giai đoạn này
Theo thống kê mới nhất của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, 9 tháng năm 2019, cả nước xảy ra 2.959 vụ cháy, nổ, làm 76 người chết và 124 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 1.057 tỷ đồng. Trong đó, nổi lên tình trạng nhiều vụ cháy, nổ xảy ra tại nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư.
Rõ ràng, những con số thống kê trên, cho chúng ta thấy một thực trạng đáng báo động về việc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn PCCC trong các hộ gia đình, các cơ quan, tổ chức, các cơ sở, doanh nghiệp còn quá lỏng lẻo.
Sở dĩ những vụ cháy, nổ xảy ra nhiều vào thời gian cận Tết là do trong giai đoạn này diễn ra nhiều hoạt động giao thương, buôn bán. Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại… tập trung khối lượng hàng hóa rất lớn để phục vụ thị trường Tết. Đồng thời, đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động chuẩn bị đón các lễ hội, tế lễ cùng tập tục đốt vàng mã và thắp hương thờ cúng gia tiên ngày Tết của người dân… Những đặc điểm trên cộng với yếu tố thời tiết hanh khô gây nên rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể trở thành cơ hội để “giặc lửa” tấn công, để lại những hậu quả khôn lường.
Nhằm đảm bảo cho nhân dân đón một cái Tết an toàn và bình yên, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống cháy, nổ; đồng thời huy động lực lượng tổ chức ứng trực, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an toàn PCCC cho nhân dân đón Tết. Tuy nhiên, để công tác PCCC thật sự đạt hiệu quả thì không chỉ do sự cố gắng của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH mà còn cần có sự hợp tác tích cực của toàn xã hội, của mỗi chính quyền địa phương, của chính những người đứng đầu các cơ sở, tổ chức và từng cá nhân trong các hộ gia đình. Đặc biệt là trách nhiệm tổ chức, duy trì công tác PCCC của người đứng đầu cơ sở và lực lượng PCCC tại chỗ.
Văn bản quy phạm pháp luật về PCCC đã quy định rõ trách nhiệm PCCC là của toàn dân. Trong Khoản 1 Điều 5 Luật PCCC và Khoản 2 Điều 1 Luật Sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật PCCC đã quy định rõ về trách nhiệm, nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, các chủ hộ gia đình và từng cá nhân trong việc bảo đảm an toàn PCCC tại cơ quan, tổ chức và hộ gia đình. Nhưng thực tế hiện nay, nhận thức và ý thức chấp hành quy định PCCC trong toàn xã hội vẫn còn nhiều bất cập. Một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đúng đắn, nếu không muốn nói là thờ ơ, bàng quan, thiếu hiểu biết về những kỹ năng cơ bản trong công tác đảm bảo an toàn PCCC. Họ cho rằng đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của riêng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Thực trạng này dẫn đến sự lơ là, chủ quan, bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh như: sử dụng hệ thống điện chưa bảo đảm an toàn, vi phạm các quy định an toàn trong hàn cắt; sắp xếp vật dụng, hàng hóa gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Thậm chí còn tồn chứa, buôn bán trái phép các chất nguy hiểm về cháy, nổ như: hóa chất, xăng dầu... Theo điều tra của cơ quan chức năng, có tới 45 - 50% số vụ hỏa hoạn xảy ra, có nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết và ý thức kém của người dân trong công tác phòng ngừa.
Việc thực hiện về an toàn PCCC của các hộ dân cư thì như vậy, còn đối với các đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong diện quản lý nhà nước về an toàn PCCC thì còn phức tạp hơn. Một số người đứng đầu cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình trong công tác PCCC nên chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, thiếu quan tâm đến việc tổ chức công tác PCCC, còn tồn tại nhiều vi phạm, thiếu sót dẫn đến nguy cơ cháy, nổ. Tại nhiều đơn vị, cơ sở doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC; hầu hết thiếu sự quan tâm đến việc quy hoạch, đầu tư mua sắm, trang bị phương tiện PCCC. Tình trạng cơ sở tận dụng triệt để mặt bằng cho việc sản xuất, kinh doanh, bất chấp những quy định về an toàn PCCC rất phổ biến. Các cơ sở này thường cho nhiều đơn vị thuê để làm nơi sản xuất, trữ chứa hàng hoá... với khối lượng lớn, vượt quá tải trọng thiết kế, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; nhiều đơn vị tự ý thay đổi công năng sử dụng của công trình nhưng không báo cho cơ quan chức năng làm nguy cơ cháy tăng cao dẫn đến cháy lớn, thiêu huỷ nhiều hàng hoá, tài sản...
Lực lượng PCCC tại chỗ của nhiều cơ sở chưa được đào tạo, huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện về nghiệp vụ PCCC đầy đủ; không xây dựng, thực tập phương án chữa cháy tại chỗ nên nhiều vụ cháy xảy ra, lực lượng tại chỗ không phát hiện được, xử lý rất lúng túng, không đủ khả năng khống chế đám cháy. Theo quy định của Luật PCCC đối với cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ, trong một năm, lực lượng Cảnh sát PCCC chỉ được kiểm tra 4 lần và trước khi kiểm tra phải thông báo cho cơ sở trước 3 ngày, việc này dẫn đến tình trạng đối phó của cơ sở đối với cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, sau đó tình trạng vi phạm lại tiếp diễn mà Cảnh sát PCCC không thể hàng ngày có mặt để kiểm tra được, xử lý được.
Có thể nói, để làm tốt công tác an toàn PCCC phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và để việc cháy, nổ không còn là vấn đề nhức nhối, nan giải của xã hội thì điều quan trọng nhất là cần có sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Các đơn vị Cảnh sát PCCC cần tổ chức xây dựng hiệu quả phong trào Toàn dân tham gia PCCC để nâng cao ý thức của toàn xã hội trong công tác PCCC. Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra thông qua sinh hoạt tổ dân phố, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi... mà còn đưa việc tuyên truyền giáo dục kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH vào chương trình học tập hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục từ bậc Tiểu học đến các trường Đại học. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng Dân phòng để đội ngũ này có đủ năng lực xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Đối với người đứng đầu cơ sở hay các chủ hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác PCCC tại gia đình, đơn vị, doanh nghiệp mình; đảm bảo hiệu quả công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở. Giáo dục ý thức, kiến thức, kỹ năng về PCCC cho cán bộ, công nhân viên, người lao động trong đơn vị, doanh nghiệp và những người thân trong gia đình. Chú trọng tổ chức đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ công tác PCCC cho lực lượng PCCC tại chỗ của đơn vị mình để nâng cao hiệu quả chữa cháy ban đầu. Mỗi cá nhân cần tự nêu cao ý thức chủ động phòng ngừa cháy, nổ, chấp hành nghiêm quy định về PCCC, tìm hiểu pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH và tính năng, tác dụng của các thiết bị chữa cháy để xử lý tốt khi có tình huống, sự cố đáng tiếc xảy ra.
PCCC không phải là việc của riêng ai, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người. Vì thế, cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, mỗi người dân, mỗi chính quyền địa phương, mỗi cơ quan, đoàn thể nên tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bản thân. Có như vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC trong dịp Tết Nguyên đán nói riêng và đảm bảo an toàn PCCC nói chung mới đạt được hiệu quả; tai nạn cháy, nổ mới từng bước được đẩy lùi, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng bình yên, giàu mạnh.